Bảo dưỡng phòng ngừa (Preventive Maintenance)
Trước khi khái niệm về bảo dưỡng dự báo (predictive maintenance) được đưa vào yêu cầu tiêu chuẩn IATF 16949, các tổ chức đặc biệt là tại Việt Nam vẫn thực hiện các hoạt động bảo dưỡng thiết bị thông qua việc kiểm tra tình trạng, vệ sinh thiết bị, tra dầu mỡ hằng ngày và/hoặc thay thế linh kiện định kì. Các hoạt động này được đúc kết thành một khẩu ngữ ngắn gọn là VỆ SINH – BÔI TRƠN – SIẾT CHẶT.
Các hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn ngừa sự cố của một bộ phận hoặc của thiết bị. Chẳng hạn việc vệ sinh hoặc tra dầu mỡ vào một phận chuyển động (trục quay hay vòng bi) làm giảm mài mòn, giảm hỏng hóc và kéo dài tuổi thọ thiết bị. Việc siết chặt các đai ốc làm giảm độ rung của thiết bị dẫn đến giảm nguy cơ mài mòn hoặc đứt gẫy.
Do đó các hoạt động này được gọi là bảo dưỡng phòng ngừa (predictive maintenance) theo định nghĩa của IATF 16949 “các hoạt động thực hiện định kỳ (theo thời gian, kiểm tra, và đại tu) để loại bỏ nguyên nhân của sự cố thiết bị và dừng máy bất thường, như là một đầu ra của quá trình thiết kế công đoạn”.
Bảo dưỡng dự báo (Predictive Maintenance)
Bảo dưỡng phòng ngừa chỉ có thể kéo dài tuổi thọ của thiết bị, giảm tần suất hỏng hóc, nó không thể loại bỏ hoàn toàn sự cố. Trong khi đó sự cố xảy ra còn phụ thuộc vào nhiểu yếu tố nằm ngoài nội dung, chu kì bảo dưỡng ví dụ tần suất sử dụng, môi trường sử dụng, sai sót trong chế tạo… Khi đó sẽ xảy ra tình huống thiết bị có thể bị sự cố trước thời điểm phải bảo dưỡng, thay thế định kì hoặc vẫn còn trong tình trạng tốt khi bảo dưỡng, thay thế. Ví dụ dầu động cơ xe máy thường được thay thế sau 1.000 ~ 1.500 km. Tuy nhiên, một số xe đi thường xuyên trong môi trường tốt dầu vẫn tốt khi thay. Trong khi đó một số xe đi ít hay môi trường bụi bẩn, dầu có thể không đảm bảo chất lượng chỉ sau vài trăm km.
Ngoài ra, với một số lĩnh vực công nghiệp việc dừng thiết bị để bảo dưỡng khi chưa thực sự cần thiết hoặc để xảy ra sự cố thiết bị bất thường đều gây ra những tổn thất rất lớn. Ví dụ đối với ngành điện, để không xảy ra sự cố (bị người dân mắng) ngành điện có thể đưa ra lịch bảo dưỡng dày đặc hơn cần thiết (để phòng ngừa). Khi đó điện thường xuyên bị cắt để phục vụ bảo dưỡng và cuối cùng vẫn bị dân mắng. Vì vậy hiện nay có rất nhiều kĩ thuật được ngành điện ứng dụng để dự báo thời điểm cần bảo dưỡng hệ thống.
Hình 1: EVN sử dụng flycam kiểm tra phát nhiệt hệ thống truyền tải (nguồn internet)
Hình ảnh trên là kết quả của việc một công ty truyền tải điện thuộc EVN ứng dụng công nghệ ảnh nhiệt hồng ngoại (infrared thermography) để theo dõi nhiệt độ của các bộ phận trên hệ thống truyền tải khi nó đang hoạt động. Kết quả theo dõi này sẽ được phân tích, so sánh với chuẩn xác định (trong trường hợp này là nhiệt độ MIN – MAX) và đưa ra hành động bảo dưỡng cần thiết.
Hoạt động bảo dưỡng dự báo này được IATF 16949 định nghĩa là: “một cách tiếp cận và các kĩ thuật dùng để để đánh giá tình trạng của các thiết bị đang hoạt động bằng cách định kì hoặc thường xuyên theo dõi tình trạng của thiết bị, để dự đoán thời điểm thiết bị cần bảo dưỡng”.
Những nhầm lẫn khi triển khai bảo dưỡng dự báo
Bảo dưỡng dự đoán là một yêu cầu bổ sung rất nhỏ trong tiêu chuẩn IATF 16949:2016, nhưng việc đưa nó vào áp dụng trong các tổ chức gặp nhiều khó khăn. Bằng chứng là bảo dưỡng là một trong những lĩnh vực nằm trong TOP 10 các hoạt động có nhiều điểm NC khi đánh giá chứng nhận.
Những điểm không phù hợp này thường phát sinh từ những nhầm lần rằng bảo dưỡng dự báo chẳng khác gì bảo dưỡng phòng ngừa. Một số quan điểm cho rằng nếu bảo dưỡng phòng ngừa cũng là kiểm tra thiết bị hằng ngày (ví dụ kiểm tra vệ sinh, rò dầu, đai ốc lỏng…) và bảo dưỡng dự báo cũng kiểm tra tình trạng thiết bị (nhiệt độ, độ rung…) và đôi khi ghi trong cùng một check sheet, vậy chúng có gì khác nhau. Nhầm lẫn này có thể hiểu được vì về bản chất 2 hoạt động này đều là kiểm tra. Tuy nhiên, có một sự khác biệt nhất định trong định nghĩa của 2 hoạt động này. Đó là việc kiểm tra bảo dưỡng phòng ngừa có thể thực hiện khi thiết bị dừng hoặc đang hoạt động, bảo dưỡng dự báo bắt buộc phải được thực hiện khi thiết bị đang hoạt động. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở hành động tiếp sau của các hoạt động bảo dưỡng (kiểm tra) này. Hạng mục bảo dưỡng dự báo phải kèm theo phân tích dữ liệu và DỰ BÁO nhu cầu, thời điểm cần bảo dưỡng. Vì lí do này, thuật ngữ “predictive maintenance” được dịch là “DỰ BÁO BẢO DƯỠNG” sẽ đầy đủ hơn mặc dù nó không tạo thành cặp PHÒNG NGỪA – DỰ BÁO.
Khi nhìn vào sự khác biệt này, một số ý kiến lại có thể cho rằng trong hoạt động bảo dưỡng phòng ngừa như nghe, kiểm tra, đo đạc (ví dụ kích thước trục, vòng bi…) vẫn có thể coi là DỰ BÁO. Tất nhiên, người ta có thể dự báo thời tiết thông qua việc quan sát đàn chuồn chuồn, kiểu “chuồn chuồn bây thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”. Nhưng khi dự báo trên tivi, chúng ta phải dựa vào các dữ liệu đo hoặc ảnh chụp vệ tinh. Predictive maintenance hay dự báo bảo dưỡng trong IATF 16949 cũng cần được áp dụng tương tự, tức là doanh nghiệp phải đầu tư các thiết bị để theo dõi tình trạng thiết bị (ảnh nhiệt, cảm biến tiếng ồn hay độ rung…), đưa các hạng mục kiểm tra này vào check sheet, phân tích dữ liệu và đưa ra các kế hoạch bảo trì khi cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
PREVENTIVE vs PREDICTIVE MAINTENANCE
Bảo dưỡng phòng ngừa (Preventive Maintenance) Trước khi khái niệm về bảo dưỡng dự báo...
FIND THE ROOT CAUSE, NOT THE REASON!
Tìm nguyên nhân, không tìm lí do Hành động khắc phục là một trong những...
SPECIAL CAUSE vs COMMON CAUSE
NGUYÊN NHÂN ĐẶC BIỆT vs NGUYÊN NHÂN HỆ THỐNG Ba chuyện đời thường Khi con...
CLIMATE CHANGE IN ISO 9001
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRONG ISO 9001:2015 Biến đổi khí hậu trong ISO 9001 Ngày...
Stand-Alone Control Plan
SỔ TAY CONTROL PLAN Tách ra không phải để đứng một mình Control Plan (CP)...
APQP 3: WHAT’S NEW?
APQP 3: NHỮNG THAY ĐỔI NỔI BẬT Động lực thay đổi Phiên bản thứ 3...
SAU CÁNH “TỦ LẠNH” CÓ GÌ?
Có một vị giáo sư (GS) thường xuyên đăng tải các chia sẻ về quản...
STRATEGY MAP – PART 3: BALANCED SCORECARD
BẢN ĐỒ CHIẾN LƯỢC – BALANCED SCORECARD Bản đồ chiến lược Trong hai bài trước...