SAU CÁNH “TỦ LẠNH” CÓ GÌ?

Có một vị giáo sư (GS) thường xuyên đăng tải các chia sẻ về quản trị và văn hóa quản trị trên mạng xã hội (MXH). Tuy nhiên, một chia sẻ của ông gần đây liên quan đến chiếc tủ lạnh nhận được nhiều phản hồi tiêu cực, bên cạnh một số ít ý kiến bảo vệ. Tại sao câu chuyện về một vật dụng rất bình thường có thể dẫn đến tranh cãi có phần gay gắt, thậm chí mang hơi hướng chính trị và chia rẽ. Liệu chúng ta có thể vượt qua những tranh cãi có phần vô ích này và tìm cho mình một bài học sâu sắc hơn trong công việc và cuộc sống từ câu chuyện này.

Chiếc tủ lạnh

Trong câu chuyện của mình, vị GS kể về một lần tiếp các vị khách đến từ nước Mỹ cách đây cũng khá lâu. Khi đó tủ lạnh chưa phổ biến ở Việt Nam nên các vị khách có thắc mắc: “Nước ông không có tủ lạnh sao?”. Vị GS đáp trả đại ý là: nước tôi luôn ăn đồ tươi sống nên không cần tủ lạnh, việc dùng đồ tươi sống tốt cho sức khỏe. Vị GS còn gửi đi thông điệp rằng vị khách không nên lấy tiêu chí của nước mình để đánh giá nước khác.

Câu chuyện của vị GS được chia sẻ khá nhanh trên MXH và nhận được nhiều phản hồi. Một số ý kiến đặt ra câu hỏi về chức danh GS và quá trình phê chuẩn chức danh GS. Một số cho rằng vị GS này có tinh thần “tự sướng” và bài TBCN. Những ý kiến ủng hộ cho rằng câu chuyện của vị GS thật “sâu sắc” và có thể là sự đáp trả đanh thép đối với phê bên kia.

Sau cửa tủ lạnh có gì

Nếu một bên cứ tập trung vào đồ vật hữu hình (cái tủ lạnh) để “nói xấu” rằng Việt Nam nghèo (không có tủ lạnh) còn làm ra vẻ tự cao và bên kia dựa vào thực tế rằng tủ lạnh ở Việt Nam giờ là bình thường, Việt Nam còn có nhiều thứ mà nơi khác không có, có vẻ việc tranh cãi chẳng bao giờ đi đến hồi kết cho đến khi có chủ đề khác thay thế. Những tranh luận kiểu này cũng chẳng giúp chúng ta rút ra bài học gì.

Bài viết này không đi vào bàn luận đúng sai. Tâm thế của chúng ta phải như thế nào khi đối diện với chủ đề (ví dụ: cái tủ lạnh) mới là vấn đề cần thảo luận. Tâm thế là những thứ nằm phía sau ngôn ngữ. Với phép ẩn dụ: tâm thế có thể hiểu là những cái nằm “sau cánh tủ lạnh”.

Hãy cùng phân tích “sau cánh tủ lạnh” của vị GS có gì? Có thể nhận xét của vị GS về việc người Việt không cần tủ lạnh (ở thời điểm xảy ra câu chuyện) là sự thật, nhưng sự thật này không được khai thác để xem chúng ta có thể làm gì. Có thể để đè bẹp “đối thủ” vị GS muốn vị khách biết rằng phía tôi ăn đồ tươi sống còn tốt hơn phía ông ăn đồ đông lạnh, và rằng phía ông cũng chẳng có gì tốt đẹp, đừng áp đặt quan điểm của ông.

Phản ứng này có thể mang lại thắng lợi về ngoại giao và chính trị, nhưng liệu chúng ta có thể đạt được gì tốt hơn nếu phản ứng với tâm thế khác. Nếu chỉ dừng ở lại sự thật: thời điểm đó người dân chưa cần có tủ lạnh và lắng nghe đối phương. Khi đó chúng ta có thể biết rằng tủ lạnh có nhiều tác dụng khác và chỉ sau một thời gian ngắn nữa nhà nhà sẵn cần tủ lạnh. Chúng ta đã có thể nỗ lực học hỏi và tự chế tạo tủ lạnh từ sớm.

Bài học nào cho công việc và cuộc sống

Trong cuộc sống không ít lần mỗi chúng ta nghe được các câu hỏi có phần “khó chịu” giống như vị GS kia, kiểu: chưa mua ô tô à? chưa mua biệt thự à? Bạn có chắc rằng mình sẽ phản hồi chỉ với sự thật?

Trong công việc, tôi từng tham dự nhiều cuộc họp nội bộ của các công ty với vai trò quan sát. Rất nhiều cuộc họp trong số đó rơi vào tình trạng tranh cãi mang tính chính trị giống như câu chuyện cái tủ lạnh. Điều này xảy vì có vẻ mọi người đều giấu gì đó “sau cửa tủ lạnh” của mình. Ví dụ thay vì  nói không đồng ý với ý tưởng của đồng nghiệp, bạn có thể nói rằng mình không hiểu. Các cuộc họp nói riêng và công việc nói chung sẽ hiệu quả hơn nếu mỗi người luôn tự hỏi “sau cánh tủ lạnh có gì”. Và bạn biết rằng những đồ “không tươi sống” cần được loại bỏ.