WHY I SHOULD DO PFMEA

TẠI SAO TÔI CẦN LÀM PFMEA

PFMEA là thuật ngữ viết tắt của Process Failure Modes & Effect Analysis. Nó là một trong 5 công cụ cốt lõi (core tool) của ngành công nghiệp ô tô. Mục đích của công cụ này là phân tích các sai lỗi tiềm ẩn có thể phát sinh trong quá trình sản xuất một sản phẩm, đánh giá tác động của sai lỗi đối với người sử dụng, khả năng phát sinh và khả năng phát hiện để xác định hạng mục cần ưu tiên cải tiến.

Tuy nhiên dù được xem xét hàng chục bảng PFMEA của các công ty đến từ nhiều quốc gia khác nhau bao gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam, bản thân tôi nhận thấy hầu hết chúng không hoàn thành được sứ mệnh của mình.

Một phần nguyên nhân của vấn đề này đến từ việc xây dựng PFMEA hoàn chỉnh rất khó và mất thời gian. Tuy nhiên, theo cảm nhận chủ quan yếu tố chính làm cho các tổ chức không thiết lập được bản PFMEA tốt là do chúng ta chưa nhận thức được ý nghĩa của hoạt động này.

Lợi ích của FMEA

Sổ tay FMEA phiên bản cũ (2008) không có dòng nào để nói về lợi ích hoặc ý nghĩa của việc thực hiện FMEA. Nó được giới thiệu đơn giản là một yêu cầu của sổ tay APQP. Có lẽ nhận thấy sự thiếu sót quan trọng này nên phiên bản gần đây nhất (2019), rất nhiều lợi ích hoặc mục tiêu (objectives) của FMEA đã được liệt kê.

Các lợi ích cơ bản của việc thực hiện FMEA bao gồm:

  1. Nâng cao chất lượng, độ tin cậy, khả năng chế tạo, khả năng bảo trì và tính an toàn của sản phẩm ô tô.
  2. Giảm thiểu chi phí bảo hành và đền bù.
  3. Nâng cao sự hài lòng của khách hàng trong thị trường cạnh tranh.
  4. Giảm thiểu các thay đổi phát sinh sau này.
  5. Đáp ứng các yêu cầu luật định trong quá trình đăng kí, đăng kiểm sản phẩm.
  6. Thiết lập cơ sở tri thức trong tổ chức.

Tại sao các lí do không đủ thuyết phục

Trong các lợi ích nêu trên có rất nhiều mục không hoặc có rất ít ý nghĩa đối với các công ty sản xuất đặc biệt là công ty sản xuất tại Việt Nam.

Thứ nhất, đáp ứng yêu cầu luật thường chỉ yêu cầu đối với thiết kế sản phẩm và các sản phẩm có liên quan đến an toàn luật định chứ không phải là yêu cầu đối với quá trình sản xuất. Trong khi đó hầu hết các công ty sản xuất tại Việt Nam chỉ đơn thuần là đơn vị sản xuất.

Thứ hai, việc nâng cao chất lượng sản phẩm ở khía cạnh giảm thiểu tỉ lệ phát sinh sai lỗi cũng không có nhiều đất diễn ở công ty sản xuất. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các công ty ở Việt Nam đa phần hoạt động trong lĩnh vực chế tạo rất truyền thống như đúc, dập, gia công cắt gọt…và thiết bị, quy trình sản xuất được cung cấp từ công ty mẹ.

Một trong những lợi ích thiết thực nhất các công ty sản xuất có mô hình tương tự các công ty ở Việt Nam là tận dụng quá trình xây dựng PFMEA như là cơ hội để hệ thống hóa cơ sở tri thức liên quan đến lĩnh vực sản xuất. Nhưng trên thực tế xuất phát từ nhiều lí do như phân cấp quản lí, yếu tố văn hóa tổ chức mà lợi ích này cũng không được coi trọng.

Tại sao bạn vẫn cần làm PFMEA

Bên cạnh những lợi ích chung đã được sổ tay PFMEA liệt kê, bài viết này còn muốn giúp người đọc nhận thức được các ý nghĩa khác của việc thiết lập PFMEA nhằm tạo ra một động lực nội tại cho việc triển khai này.

Thứ nhất, ngôn ngữ là vỏ bọc của tư duy

Người ta thường nói “ngôn ngữ là vỏ bọc của tư duy”, cho nên những gì bạn viết hoặc nói ra có thể phản ánh được tư duy của bản. FMEA nói chung và PFMEA nói riêng đặc biệt là bản kết hợp của VDA-AIAG được thiết kế một cách rất logic từ các công cụ cho đến cấu trúc của biểu mẫu. Qua việc xem xét nội dung bản PFMEA khách hàng có thể đánh giá được mức độ tư duy của người lập cũng như tư duy kiểm soát chất lượng của tổ chức. Đây là lí do quan trọng đầu tiên bạn cần đầu tư thời gian cho việc thiết lập PFMEA.

Thứ hai, làm được không nói được không phải tốt nhì

Nhiều người bao biện rằng tôi hoặc công ty tôi không mô tả rủi ro trong PFMEA nhưng thực tế chúng vẫn được kiểm soát. Hay nói cách khác tôi làm tốt còn không giỏi nói hoặc viết thôi.

Thực tế ai cũng phải thừa nhận rằng người nói được và làm được luôn được đánh giá cao nhất. Nhưng người đánh giá cao thứ hai không phải là người làm được không nói được mà là người nói được mà chưa làm được. Bạn có đứng cuối trong danh sách đánh giá. Nếu không đây là lí do thứ hai để bạn quan tâm hơn đến PFMEA.

Thứ ba, bước khởi đầu để trở thành Master

Trong các tài liệu (công cụ) được AIAG phát hành có rất nhiều sổ tay CQI (Continual Quality Improvement) liên quan đến các công đoạn đặc biệt của quá trình sản xuất. Công đoạn đặc biệt là các công đoạn mà ở đó sản phẩm đầu ra không thể kiểm tra xác nhận bằng các biện pháp kiểm tra đo lường sau đó (ISO 9001:2015, điều khoản 8.5.1).

Các công đoạn đặc biệt điển hình bao gồm xử lí nhiệt, xi mạ, SMT hoặc hàn… CQI là tài liệu mô tả các biện pháp kiểm soát mà các tổ chức sản xuất linh kiện ô tô bắt buộc phải áp dụng đối với các quá trình này. Các hạng mục này được xác định bởi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực và đôi khi là rất mới đối với những người từng làm lâu năm nhưng chưa được đào tạo về CQI. Tuy nhiên, nếu hiểu cách tiếp cận của PFMEA một người ít kinh nghiệm vẫn có khả năng nhận biết được các điểm kiểm soát này khi chưa được đào tạo về CQI. Điều đó cho thấy cách tiếp cận và tư duy PFMEA có thể giúp một người trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực của mình.